SUY  NIỆM VÀ SỐNG TIN MỪNG - Chúa Nhật I Mùa Vọng A

 

 “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng.”

Mt 24, 37-44

 

Trần Mỹ Duyệt

Thánh Mátthêu đã ghi lại những lời sau đây của Chúa Giêsu khi Ngài nói với người Do Thái về ý nghĩa sẵn sàng và chuẩn bị cho ngày Ngài đến: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thủy, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy… Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.”

 

Rồi Ngài tiếp: “Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.”

 

Nhưng có lẽ những người nghe Chúa hôm đó họ không hiểu gì và cũng không mấy quan tâm. Chuyện đại hồng thủy xảy ra mãi tận thời Noe đâu có ăn nhập gì với cuộc sống và những nhu cầu hiện tại. Còn việc mấy người trộm lén vào nhà thì làm sao mà biết trước? Có chăng chỉ là đề phòng một cách tổng quát. Còn “Con Người” ở đây là ai. Làm sao biết? Không lẽ cũng là một thứ kẻ trộm?

 

Thế tại sao Giáo Hội lại dùng những lời này để nhắc nhở con cái mình về ý nghĩa của một biến cố tâm linh, biến cố chuẩn bị để đón tiếp chính Chúa, đó là Mùa Vọng.

 

Mùa Vọng (adventus), phát xuất từ nguyên ngữ Latin có nghĩa là “đang đến” hoặc “sẽ đến một cách sớm sủa”. Theo phụng vụ của Giáo Hội, đây là thời gian chuẩn bị, mong đợi ngày hạ sinh của Đức Giêsu Kitô, tức là ngày lễ  Giáng Sinh. Nó cũng mang ý nghĩa của ngày giáng lâm lần thứ hai của Ngài, hay còn gọi là ngày tận thế.

 

Thời gian này gồm 40 ngày trước lễ Giáng Sinh. Lịch sử của Mùa Vọng không được ghi rõ ràng, nhưng Đức Giám Mục Perpetuus thành Tours (461-490) được cho là người đã thiết lập việc chay tịnh trước lễ Giáng Sinh bắt đầu vào ngày 11 tháng Mười Một (ngày lễ thánh Martin), và công đồng thành Tours (567) cũng đã nhắc đến Mùa Vọng.  

 

Trong Mùa Vọng, bốn ngọn nến Mùa Vọng, từng ngọn một được thắp lên vào mỗi Chúa Nhật mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Những tư tưởng này đã được đức cố hồng y Bernard Law, lúc còn là giám mục Giáo Phận Springfield-Cap Girardeau trong một buổi tĩnh tâm chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh quảng diễn:

 

Cây nến thứ nhất, được đốt lên vào Chúa Nhật đầu tiên, nhắc nhở việc Chúa đến với nhân loại trong Đêm Giáng Sinh. Đây là lần đến thứ nhất, và đã là một kỷ niệm. Ngày nay chúng ta mỗi lần đón mừng Giáng Sinh, là nhớ đến lần xuất hiện của Ngài tại một hang nuôi súc vật ở đồng quê Belem hơn 2000 năm trước. Đó là ngày giáng trần của Con Thiên Chúa.

 

Cây thứ hai, đốt lên vào Chúa Nhật thứ hai, nhắc nhở ta về 4 ngàn năm trong cựu ước, khi đó dân Chúa mong đợi Đấng Thiên Sai: “Trời cao hãy mưa đấng công chính, ngàn mây hãy mưa vị cứu tinh” (Isaia 45:8). Nhưng Đấng Cứu Tinh đây không đến giải thoát dân Do Thái khỏi ách thống trị người Roma, mà mục đích Ngài đến là để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, khỏi làm nô lệ cho ma quỷ. Mong Chúa đến, chuẩn bị mừng ngày Ngài đến là khao khát niềm vui giải thoát, khao khát được sự tự do của con cái Thiên Chúa.

 

Cây thứ ba, đốt lên vào Chúa Nhật thứ ba, Chúa nhật vui mừng, hoan hỷ (Gaudete). Đây cũng là ý nghĩa của việc Chúa đến với mỗi chúng ta trong ngày được chịu phép Thánh Tẩy. Ngày ấy, mỗi người đều được thanh tẩy, được gột rửa khỏi tội Tổ Tông và mặc áo ân sủng của Thiên Chúa, được làm con Chúa và thừa hưởng gia tài vĩnh cửu. Niềm vui của hôm nay không chỉ nói đến phép Rửa, mà còn nhắc nhở chúng ta những lần Chúa đến đặc biệt với mỗi người, bao gồm ngày chịu Phép Thêm Sức, xưng tội rước lễ lần đầu, khấn dòng, chịu chức, thành hôn, và ngày chết cũng là ngày được sinh ra trong nước trời. Trong những ngày đặc biệt ấy Chúa đến để ban ơn và thánh hóa mỗi người tùy theo ơn gọi. Đối với mỗi người và mỗi ơn gọi, những ngày ấy là những ngày vui mừng, hoan hỷ.

 

Cây thứ tư, được đốt lên vào Chúa Nhật Thứ Tư, Chúa nhật nhắc nhở chúng ta về ngày Chúa đến với toàn thể nhân loại, ngày chung thẩm, ngày phán xét chung. Thánh Mátthêu, khi viết và nhắc đến ngày đặc biệt này cũng đã ghi lại những hình ảnh rất rõ ràng, thiết thực qua việc Chúa nói về ngày Noel vào tầu trước đại hồng thủy, hoặc giây phút người trộm đột nhập vào nhà. Và trong cả hai trường hợp ấy, Ngài đã thức tỉnh mọi người: “Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.” (Mt 24: 42) Và: “Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.”(44)

 

Theo đức cố Hồng Y, trong ba lần Chúa đến với cuộc đời mỗi người, thì lần đến lần thứ tư, là ngày mà tất cả chúng ta phải ra đón Ngài trong cái huy hoàng, bao la của cả đất trời, và muôn dân thiên hạ. Nếu ngày ấy chúng ta đã chuẩn bị và đón tiếp Chúa tốt bằng những lần trước đó, thì ngày tận thế, ngày cánh chung, chúng ta cũng sẽ cùng với các thiên thần, các thánh, và với Mẹ Maria hân hoan khải hoàn trong vinh quang Thiên Chúa.

 

“Trời cao hãy đổ sương xuống. Mây ơi! Hãy mưa vị cứu tinh.” Khi suy niệm ý nghĩa của lời Chúa Giêsu về sự chuẩn bị trong thời Noe, cũng như việc phải tỉnh thức canh chừng kẻ trộm theo tinh thần Mùa Vọng, và trong tâm tình mong chờ mừng ngày Ngài giáng trần, chúng ta hãy suy niệm và sống tinh thần Mùa Vọng với mỗi tuần, mỗi ý nghĩa của nó như lời giảng dạy của Đức cố Hồng Y Bernard Law. Đây là một cách sống Tin Mừng hết sức quan trọng và thực tế đối với đời sống đạo của mỗi Kitô hữu chúng ta.